Buổi tọa đàm và Hội thảo được tổ chức nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các thành tựu KHCN và đổi mới sáng tạo nổi bật; nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của KH&CN; khơi dậy tinh thần đam mê lao động sáng tạo, nghiên cứu khoa học trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhằm góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học của tỉnh trong tương lai; thảo luận, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra động lực tăng trưởng mới cho xã hội, đồng thời nâng cao vị thế của ngành KH&CN trong hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà.
Thực hiện nhiệm vụ xây dựng Hệ thống Quản lý nhiệm vụ KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế, thời gian qua, Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế (HueCIT) đã nghiên cứu, phân tích, tiến hành xây dựng và đưa vào hoạt động thử nghiệm; đồng thời tiếp nhận các ý kiến góp ý từ các chuyên gia trong lĩnh vực CNTT, KH&CN để hoàn thiện Hệ thống.
Hệ thống quản lý nhiệm vụ KH&CN gồm 2 phân hệ: Cổng thông tin điện tử KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế và Hệ thống quản lý nhiệm vụ KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế.
Cổng thông tin điện tử KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế được xây dựng nhằm tạo một không gian, địa chỉ trực tuyến tập trung cho các hoạt động khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh, cung cấp cho các nhà khoa học, cá nhân, tổ chức có hoạt động KH&CN và mọi người có thể tiếp cận được với kho cơ sở dữ liệu (CSDL) đề tài, nhiệm vụ KH&CN đã và đang được thực hiện, danh mục nhiệm vụ đang được đề xuất, các thông tin tổng hợp về hoạt động KH&CN, đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực ứng dụng; cũng là nơi để các chuyên gia, các nhà khoa học có thể giới thiệu được về cá nhân cùng các đóng góp trong hoạt động KH&CN.
Các đồng chí lãnh đạo thực hiện nghi thức nhấn nút Khai trương Cổng Thông tin điện tử KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế tại chương trình
Hệ thống Quản lý nhiệm vụ KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế hình thành giúp hỗ trợ công tác quản lý các hoạt động KH&CN trên nền tảng số hóa dữ liệu và các công cụ quản lý trên nền tảng ứng dụng CNTT. Thông qua Hệ thống, việc quản lý khoa học sẽ được quy trình hóa, đồng bộ hóa về con người và dữ liệu, từ đó cung cấp cho lãnh đạo Sở KH&CN, bộ phận quản lý khoa học, các nhà khoa học và các đơn vị liên quan những thông tin cần thiết về quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN kịp thời và chính xác. Đồng thời, hình thành nên kho CSDL về KHCN trong quá trình thực hiện các đề tài, nhiệm vụ. Thông qua Hệ thống, một nhiệm vụ KH&CN sẽ được triển khai, thực hiện và quản lý theo quy trình 5 bước bao gồm: Xây dựng danh mục nhiệm vụ; Tuyển chọn giao trực tiếp; Triển khai thực hiện; Đánh giá nghiệm thu; Đăng ký lưu giữ công bố kết quả.
Phần mềm quản lý nhiệm vụ KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức đi vào hoạt động sau nghi thức bấm nút khai trương
TRUY CẬP HỆ THỐNG QUẢN LÝ NHIỆM VỤ KHCN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Hệ thống Quản lý nhiệm vụ KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế đi vào hoạt động được xem là hệ thống then chốt trong quản lý dữ liệu KH&CN; Nâng cao vai trò quản lý của ngành, đưa được KHCN đến gần hơn với người dân, doanh nghiệp; Góp phần thực hiện cải cách thủ tục, chuyển đổi số các hoạt động liên quan đến quản lý và thực hiện nhiệm vụ KH&CN; qua đó, hình thành CSDL chuyên gia, nhà khoa học, nhiệm vụ KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tại chương trình, các đại biểu đã được nghe các tham luận: Vai trò đào tạo nguồn nhân lực công nghệ bán dẫn trong chiến lược phát triển CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế (Ông Nguyễn Quang Lịch, Khoa trưởng Khoa Kỹ thuật Công nghệ, ĐH Huế); Vai trò ứng dụng KH&CN trong phát triển sản phẩm chủ lực, OCOP ở Thừa Thiên Huế (Ông Lê Văn Anh, Đại diện Sở NN&PTNT),... đồng thời Sở KH&CN cũng thực hiện lễ ra mắt Ban Liên lạc Cựu cán bộ công chức, viên chức ngành KH&CN, Trao Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN và Trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp KH&CN” của Bộ trưởng Bộ KH&CN cho những nhà khoa học có nhiều đóng góp trong lĩnh vực KH&CN.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại chương trình.