1. Thừa Thiên Huế tiên phong ứng dụng Dữ liệu mở
Tỉnh Thừa Thiên Huế trong những năm gần đây luôn coi việc xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính phủ số là một trong những nhiệm vụ hàng đầu và đã có những bước tiến vượt bậc nhờ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước. Ngoài điểm sáng là xây dựng và phát triển dịch vụ đô thị thông minh với tiêu chí lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, tỉnh Thừa Thiên Huế bước đầu xây dựng được Cổng dữ liệu mở nhằm hướng đến sự minh bạch, tạo ra các giá trị xã hội và thương mại, đồng thời, khuyến khích sự tham gia của người dân vào việc quản trị tại địa phương.
Là một trong những địa phương tiên phong trong việc xây dựng và công bố dữ liệu của chính quyền cấp tỉnh, năm 2018, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng Hệ thống dữ liệu mở của tỉnh và được vận hành trên cổng dữ liệu mở tại địa chỉ: https://data.thuathienhue.gov.vn. UBND tỉnh cũng đã ban hành công văn số 8728/UBND-CT ngày 18/11/2019 về việc cập nhật dữ liệu, vận hành, khai thác hệ thống dữ liệu mở, trước thời điểm Chính phủ ban hành Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu của cơ quan nhà nước. Hệ thống dữ liệu mở này được UBND tỉnh giao cho Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế (HueCIT) nghiên cứu xây dựng.
Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh đi đầu trong ứng dụng dữ liệu mở.
Năm 2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quy định chi tiết trách nhiệm quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, cập nhật dữ liệu, nguyên tắc khai thác dữ liệu… cho các đơn vị liên quan trong tỉnh tại Quyết định số 06/2021/QĐ-UBND ngày 03/02/2021 về ban hành Quy chế quản lý, vận hành, khai thác dữ liệu trên Hệ thống Dữ liệu mở tỉnh Thừa Thiên Huế và Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (HueIOC) trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế là đơn vị được giao trách nhiệm quản lý và vận hành bảo đảm an toàn, an ninh tại Cổng dữ liệu mở của tỉnh.
Mô hình Kiến trúc tổng thể Hệ thống dữ liệu mở tỉnh Thừa Thiên Huế
Thường xuyên được nâng cấp và phát triển về mặt công nghệ, Hệ thống dữ liệu mở tỉnh Thừa Thiên Huế được xem là một trong các nền tảng quan trọng trong chiến lược hoàn thiện chính quyền điện tử, phát triển chính quyền số và xây dựng đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên Huế trong những năm vừa qua, góp phần đưa Thừa Thiên Huế trở thành điểm sáng của cả nước về xây dựng chính quyền điện tử. Sản phẩm đồng thời đã giành được giải Nhì ở lĩnh vực Công nghệ thông tin, điện tử và viễn thông (không có giải Nhất) tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022 và Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam lần thứ 28 - năm 2023.
Sản phẩm Hệ thống dữ liệu mở tỉnh Thừa Thiên Huế đạt nhiều giải thưởng cấp tỉnh, cấp quốc gia
2. Hệ thống Dữ liệu mở Thừa Thiên Huế - Nền tảng cho Chính phủ số hiệu quả, minh bạch
2.1. Tuân thủ Nghị định 47/2020/NĐ-CP, phát huy tối đa tiềm năng dữ liệu số
Hệ thống được xây dựng hoàn toàn tuân thủ theo Nghị định 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về “Quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của Cơ quan Nhà nước” đảm bảo các tiêu chí sau:
- Tính toàn vẹn và cập nhật: Dữ liệu được thu thập từ nguồn chính thống, đảm bảo tính chính xác và được cập nhật thường xuyên để phản ánh thông tin mới nhất.
- Truy cập miễn phí: Bất kỳ ai cũng có thể truy cập và sử dụng dữ liệu miễn phí, thúc đẩy sự minh bạch và tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo.
- Ưu tiên dữ liệu nhu cầu cao: Kho dữ liệu tập trung vào 15 chuyên ngành và 11 chủ đề thiết yếu, bao gồm Văn hóa, Y tế, Giáo dục, Kinh tế - Xã hội, Giao thông,... đáp ứng nhu cầu sử dụng dữ liệu cao của người dân và doanh nghiệp.
- Cung cấp đa dạng: Dữ liệu được cung cấp dưới nhiều dạng thức phong phú, bao gồm dữ liệu theo chuyên ngành, số liệu thống kê và API kết nối dữ liệu, đáp ứng nhu cầu sử dụng đa dạng của người dùng.
Hiện nay, Hệ thống Dữ liệu mở (Open Data) tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung vào việc tạo và công bố dữ liệu ở 15 chuyên ngành: Văn hóa – xã hội; Dân cư, Lao động; Hành chính, Pháp luật; Kinh tế – Tài chính, Thương mại, Dịch vụ, Du lịch; Khoa học – Công nghệ; Nông nghiệp; Hạ tầng, Đầu tư, Xây dựng; Tài nguyên môi trường; Giáo dục – Đào tạo; Y tế; Công nghiệp, Năng lượng; Giao thông vận tải, bưu chính viễn thông… Ngoài ra, Hệ thống Dữ liệu mở tỉnh Thừa Thiên Huế còn được thể hiện dữ liệu theo 11 chủ đề: Văn hóa ẩm thực; Văn hóa danh nhân; Văn hóa địa điểm; Văn hóa nghề thủ công; Văn hóa lễ hội; Văn hóa trang phục; Văn hóa – Nghệ thuật; Bệnh viện tư nhân; Giáo dục và đào tạo; Mã định danh; Kinh tế xã hội. Các dữ liệu này được cung cấp và cập nhật bởi các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và 13 đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh. Người dân và doanh nghiệp có thể truy cập để xem và tải dữ liệu dưới dạng tập tin excel mà không cần đăng ký tài khoản hay đăng nhập vào hệ thống. Ngoài ra, cũng có thể đăng nhập vào hệ thống bằng tài khoản đã đăng ký trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh hoặc đăng ký mới để có thể được cấp nhiều quyền hơn trên hệ thống này.
Cổng dữ liệu mở tỉnh Thừa Thiên Huế có địa chỉ: https://data.thuathienhue.gov.vn/
2.2. Hệ thống dữ liệu mở tại tỉnh Thừa Thiên Huế mang lại nhiều lợi ích
Ngoài việc tạo và công bố các dữ liệu theo chuyên ngành, Hệ thống Dữ liệu mở tỉnh Thừa Thiên Huế còn công bố các số liệu thống kê trên địa bàn tỉnh, như: hành chính; y tế; thương mại, dịch vụ – du lịch; đầu tư – xây dựng; công nghiệp; giáo dục – đào tạo; dân cư – lao động; an toàn xã hội; nông – lâm – thủy sản; vận tải, bưu chính – viễn thông; doanh nghiệp góp phần mang lại một số lợi ích như:
- Quản lý giao thông và đô thị: Dữ liệu giao thông được công khai giúp người dân theo dõi tình hình giao thông, lựa chọn lộ trình di chuyển phù hợp và giảm ùn tắc. Đồng thời, cơ quan quản lý có thể sử dụng dữ liệu để điều chỉnh hạ tầng giao thông và quy hoạch đô thị một cách hiệu quả.
- Y tế và giáo dục: Dữ liệu về tình trạng y tế và giáo dục được công bố giúp người dân nắm bắt thông tin về các cơ sở y tế, trường học, từ đó dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế và giáo dục chất lượng. Cơ quan quản lý có thể sử dụng dữ liệu để cải thiện chất lượng dịch vụ và phân bổ nguồn lực hợp lý.
- Du lịch và văn hóa: Dữ liệu về các địa điểm du lịch, sự kiện văn hóa được công khai giúp du khách dễ dàng tìm hiểu và lên kế hoạch tham quan. Đồng thời, ngành du lịch và văn hóa có thể sử dụng dữ liệu để phát triển các chương trình quảng bá, thu hút du khách và nâng cao trải nghiệm du lịch.
Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh đi đầu trong việc ứng dụng CNTT để xây dựng Chính phủ số hiệu quả, minh bạch.
Có thể khẳng định rằng, Hệ thống Dữ liệu mở đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý và cung cấp dịch vụ công của các cơ quan nhà nước. Việc công khai và chia sẻ dữ liệu không chỉ tạo ra sự minh bạch và trách nhiệm mà còn thúc đẩy sự đổi mới và phát triển kinh tế. Các ứng dụng thực tế và trường hợp triển khai thành công Hệ thống dữ liệu mở từ tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh thành khác là minh chứng rõ ràng cho lợi ích của Hệ thống Dữ liệu mở, từ đó tạo động lực để các cơ quan nhà nước tiếp tục đẩy mạnh triển khai và phát triển hệ thống này.
Quý đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có thể tham khảo thêm về mô hình Cổng dữ liệu mở tỉnh Thừa Thiên Huế do HueCIT xây dựng và phát triển hiện nay đang hoạt động tại địa chỉ: http://data.thuathienhue.gov.vn/. Cổng dữ liệu mở tỉnh Thừa Thiên Huế được xây dựng với công nghệ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế cũng như Nghị định 47/2020/NĐ-CP của Chính phủ là kho tàng tri thức số, nơi lưu trữ và cung cấp miễn phí các bộ dữ liệu quý giá thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, từ kinh tế - xã hội, văn hóa - du lịch đến tài nguyên - môi trường, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong tiến trình Chuyển đổi số của địa phương. |
Mọi thông tin về sản phẩm vui lòng liên hệ:
- Phòng Chuyển đổi số - Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế
- Điện thoại: 0234 3823 077 (nhánh số 19)
- Hotline: 0935 980 963 (Ms Trâm)
- Email: sales@huecit.vn
Tài liệu tham khảo:
1. Dữ liệu mở, mở dữ liệu: https://dx.gov.vn/du-lieu-mo-mo-du-lieu-1687435724147.htm ngày 22/6/2023
2. Xây dựng và phát triển dữ liệu mở tại tỉnh Thừa Thiên Huế: https://www.quanlynhanuoc.vn/2021/10/28/xay-dung-va-phat-trien-du-lieu-mo-tai-tinh-thua-thien-hue/ ngày 18/10/2021
3. Trong chuyển đổi số, dữ liệu số đóng vai trò quan trọng để phát triển: https://danviet.vn/trong-chuyen-doi-so-du-lieu-so-nam-giu-vai-tro-quan-trong-de-phat-trien-20231007203459303.htm ngày 08/10/2023
4. Dữ liệu mở trong chuyển đổi Chính phủ số tại Việt Nam: https://tapchicongthuong.vn/du-lieu-mo-trong-chuyen-doi-chinh-phu-so-tai-viet-nam-78628.htm