Nghiên cứu khoa học và công nghệ là một trong những mũi nhọn của Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế (HueCIT) trong quá trình hình thành và phát triển. Những năm qua, cùng với công cuộc chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế, đội ngũ nhân lực HueCIT luôn tích cực, chủ động sáng tạo trong công tác nghiên cứu các công nghệ mới, ứng dụng CNTT để xây dựng nên nhiều sản phẩm, giải pháp có giá trị thực tiễn cao, đã và đang được ứng dụng trong cơ quan nhà nước, trong doanh nghiệp và phát huy hiệu quả trong phục vụ cho cộng đồng, xã hội.
Tham gia nhiều Hội thi cấp quốc gia và cấp tỉnh, thương hiệu HueCIT được biết đến rộng rãi hơn với các danh hiệu tại Giải thưởng VIFOTEC, Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam, Danh hiệu Sao Khuê… Đặc biệt, HueCIT đã nối dài thành tích tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế hàng năm với những sản phẩm tiêu biểu có thể kể đến như: Hệ thống hỗ trợ, xúc tiến thương mại bán sản phẩm (Giải Nhất, năm 2023), Hệ thống dữ liệu mở tỉnh Thừa Thiên Huế (Open Data) (Giải Nhì, năm 2022), Hệ thống đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở ban ngành và địa phương (DDCI) (Giải Ba, năm 2021), Cổng dịch vụ công tỉnh Thừa Thiên Huế (Giải Ba, năm 2017), Khung kỹ thuật chính quyền điện tử và hệ thống công sở điện tử đa cấp tỉnh Thừa Thiên Huế (Giải Nhất, năm 2015),…
Đến với Hội thi năm nay, Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia với đề tài Hệ thống quản lý cây xanh, cảnh quan và môi trường (của nhóm tác giả: Lê Vĩnh Chiến, Nguyễn Thị Thanh Thủy, Nguyễn Phước Gia Huy, Nguyễn Ngọc Long, Nguyễn Thành Mãn, Hồ Xuân Ý Nhi, Nguyễn Đức Thành) và vinh dự đạt Giải Nhì của Hội thi.
Ban Tổ chức Hội thi trao giải cho nhóm tác giả đạt Giải Nhì tại chương trình
Hệ thống quản lý cây xanh, cảnh quan và môi trường là giải pháp ứng dụng công nghệ bản đồ GIS để quản lý các đối tượng, tài sản trong lĩnh vực môi trường, cảnh quan, đô thị như cây xanh, thảm xanh, mặt nước, hệ thống điện chiếu sáng, thùng rác… cho các khu vực, vùng, đô thị; hỗ trợ việc số hóa, tạo lập cơ sở dữ liệu, quản lý và thực hiện các nghiệp vụ về chăm sóc cây xanh, cảnh quan nhanh chóng, chính xác trên môi trường số (thông qua hệ thống website và ứng dụng mobile), giúp tăng hiệu quả, giảm chi phí trong công tác chăm sóc cây xanh, cảnh quan và môi trường; dễ dàng theo dõi tình trạng sinh trưởng, sâu bệnh, các sự cố về cây xanh, cảnh quan để xử lý kịp thời.
Hệ thống Quản lý cây xanh, cảnh quan và môi trường là sản phẩm thúc đẩy chuyển đổi số phù hợp với các đơn vị có chức quản lý cây xanh, cảnh quan, các tài sản cần được định vị, định danh trên diện tích phân bố rộng. Đây là kết quả phát triển của Đề tài cấp quốc gia: "Nghiên cứu, xây dựng nền tảng hạ tầng dữ liệu không gian (SDI), phục vụ quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị ứng dụng thí điểm tại tỉnh Thừa Thiên Huế" do HueCIT thực hiện trong thời gian từ năm 2019 đến năm 2021; Hiện sản phẩm đang được triển khai sử dụng tại Trung tâm Công viên Cây xanh Huế, với 253 chủng loại cây thuộc các danh mục được trồng, cấm trồng và hạn chế trồng trong đô thị; 236 tuyến cây xanh thuộc 13 phường/xã cùng với hơn 12.000 cây xanh trên địa bàn Thành phố Huế được số hóa và quản lý; Hệ thống cũng đã được cài đặt sử dụng tại Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế với định hướng nâng cấp, phát triển thêm theo đặc thù quản lý cây di sản, thảm xanh, cảnh quan mặt nước của các điểm di tích. Hiện nay, Hệ thống cũng được đề xuất triển khai tại Sở Xây dựng, nhằm thực hiện mục tiêu quản lý toàn diện về cây xanh đô thị như diện tích đất cây xanh, số lượng cây bóng mát được quản lý và chăm sóc, danh mục cây cấm trồng, hạn chế trồng và kinh phí thục hiện hàng năm, được báo cáo theo mẫu 007 thuộc Thông tư 01/2023/TT-BXD Quy định chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ xây dựng.
Nhóm tác giả Trung tâm CNTT tỉnh chụp hình lưu niệm sau Lễ trao giải.
Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế là hoạt động thường niên nhằm thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo của toàn dân trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, thúc đẩy việc áp dụng có hiệu quả các kết quả nghiên cứu khoa học, giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tôn vinh và ghi nhận công lao của các nhà nghiên cứu khoa học, các tầng lớp công nhân, nông dân, các nhà sáng tạo có các giải pháp kỹ thuật hữu ích, các sáng kiến đã được áp dụng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Bước qua năm thứ 14 phát động tổ chức, năm nay, các đề tài nghiên cứu khoa học, giải pháp kỹ thuật dự thi được trao theo 06 nhóm lĩnh vực: Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; Cơ khí – tự động hóa với chủ đề: Chế tạo Robot dịch vụ để hỗ trợ, nâng cao hoạt động trong các lĩnh vực như ngành bán lẻ, du dịch (khách sạn và lưu trú), bệnh viện (chăm sóc sức khỏe), không gian, an ninh, lưu trữ và kho, nông nghiệp…; Vật liệu, hóa chất, năng lượng; Nông lâm ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường; Y Dược; Giáo dục và đào tạo.
Theo Ban Tổ chức Hội thi, Hội thi lần thứ XIV, năm 2024 có 115 đề tài đăng ký tham gia trên 06 lĩnh vực dự thi, nhiều đề tài được đầu tư rất công phu, chất lượng và đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng từ thực tế triển khai. Đối tượng tham gia cũng ngày càng phong phú, đa dạng từ người lao động, công nhân viên chức, nhân viên kỹ thuật, kỹ sư, cử nhân đến các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đầu ngành và thu hút nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tham gia. Với những đổi mới trong công tác chấm thi, hội đồng Ban giám khảo uy tín, chất lượng đã xét chọn và đề nghị Ban Tổ chức trao 04 giải Nhất, 07 giải Nhì, 13 giải Ba và 39 giải Khuyến khích cho gần 300 tác giả tham gia dự thi. Với sự đa dạng về lĩnh vực và chủ đề, các đề tài tham gia hội thi năm nay không chỉ có tính sáng tạo cao mà còn đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục và bảo vệ môi trường của tỉnh nhà.
Sản phẩm Hệ thống quản lý cây xanh, cảnh quan và môi trường của HueCIT với phóng sự ngắn "Ứng dụng công nghệ quản lý cây xanh để xây dựng thành phố Huế xanh, sạch bền vững" do Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện
Cũng tại Chương trình, Ban Tổ chức đã tặng Giấy khen cho 07 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, triển khai Hội thi lần thứ XIV, năm 2024 và chính thức phát động Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XV, năm 2025.