Bối cảnh thành lập Trung tâm

Các mốc hình thành

  • Ngày 05/6/2000: Nghị quyết 07/2000/NQ-CP của Chính phủ về xây dựng và phát triển công nghiệp phần mềm giai đoạn 2000 – 2005
  • Ngày 17/10/2000: Chỉ thị 58-CT/TW của Ban chấp hành Trung ương về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa
  • Ngày 24/5/2001: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động triển khai Chỉ thị 58-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa giai đoạn 2001–2005

Hình thành và phát triển

  • Ngày 10/10/2000: Quyết định 2727/QĐ-UB của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế thành lập Trung tâm Công nghệ Phần mềm (Huesoft) trực thuộc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường
  • Ngày 31/8/2001: Thành lập Công viên Công nghệ Phần mềm Huế (HueSP) trực thuộc Công ty Tư vấn xây dựng công trình giao thông Thừa Thiên Huế theo Quyết định số 2127/QĐ-UB của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Ngày 22/9/2004: Thành lập Trung tâm Công nghệ Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế (HueCIT) trên cơ sở sát nhập Trung tâm Công nghệ Phần mềm Thừa Thiên Huế (Huesoft) và Công viên Công nghệ Phần mềm Huế (HueSP) theo Quyết định số 3289/2004/QĐ-UB của UBND tỉnh TT-Huế
  • Ngày 19/12/2011: Kiện toàn Trung tâm Công nghệ Thông tin tỉnh theo Quyết định số 2635/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chức năng, nhiệm vụ

(Theo Quyết định Quyết định số 1972/QÐ-UBND ngày 04 tháng 8 năm 2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Công nghệ Thông tin tỉnh)

  • 1. Đào tạo nguồn nhân lực CNTT, đào tạo ngoại ngữ theo các chương trình quy định của Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB-XH và đào tạo theo nhu cầu xã hội đối với các lĩnh vực mà Trung tâm có thế mạnh; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu xây dựng thành phố thông minh và bảo đảm sự phát triển của ngành CNTT; liên kết với các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước để bổ sung nguồn lực CNTT cho tỉnh, cho các doanh nghiệp tại Khu CVPM, Khu CNTT tập trung; đào tạo cho CB,CC trong các cơ quan nhà nước; đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp lĩnh vực CNTT và truyền thông; xây dựng chương trình đào tạo ngoại ngữ dành cho đối tượng xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh và các khu vực lân cận.
  • 2. Nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh các giải pháp về ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước nhằm tiến đến một chính quyền điện tử hiệu quả tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
  • 3. Tư vấn thiết kế, giám sát và kiểm thử đối với các dự án CNTT và có ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.
  • 4. Cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực CNTT cho các cơ quan nhà nước được UBND tỉnh giao nhiệm vụ, đặt hàng hàng năm.
  • 5. Xây dựng và cung cấp sản phẩm, dịch vụ liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin cho các cơ quan nhà nước và cho xã hội.
  • 6. Cung cấp dịch vụ nội dung số và chuyển đổi số cho các ngành/tổ chức và doanh nghiệp.
  • 7. Phát triển Trang thông tin điện tử Khám phá Huế.
  • 8. Quản lý Khu Công viên phần mềm, CNTT tập trung (gọi tắt là Khu CVPM, CNTT tập trung):
    • a) Tổ chức phối hợp hoàn thiện Khu Công viên phần mềm tại Khu đô thị An Vân Dương theo quy hoạch của tỉnh, theo hướng ứng dụng CNTT trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, y tế, phát huy đúng tiềm năng thế mạnh của tỉnh; Tập trung hoàn chỉnh các sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho Chính phủ điện tử, Đô thị thông minh.
    • b) Hợp tác với các thành viên của Chuỗi CVPM Quang Trung và doanh nghiệp CNTT trong và ngoài nước để triển khai các hoạt động bán sản phẩm, gia công phần mềm, kêu gọi đầu tư. Hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp CNTT tham gia Vườn ươm doanh nghiệp CNTT.
    • c) Xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực CNTT; tổ chức hội chợ, triển lãm, trình diễn sản phẩm và dịch vụ CNTT.
    • d) Cung cấp hạ tầng, dịch vụ và các điều kiện cần thiết để các tổ chức, doanh nghiệp trong Khu CVPM, CNTT tập trung hoạt động; cung cấp dịch vụ tiện nghi về cơ sở hạ tầng CNTT cho xã hội.
    • đ) Quản lý, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định, quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến Khu CVPM, CNTT tập trung; kiểm soát việc cung cấp các dịch vụ hạ tầng theo đúng các hợp đồng với nhà đầu tư các dự án. Hướng dẫn các nhà đầu tư, doanh nghiệp xây dựng, kinh doanh, khai thác, sử dụng cơ sở hạ tầng theo đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật của Nhà nước.
    • e) Hỗ trợ, cung cấp thông tin để các doanh nghiệp trong Khu CVPM, CNTT tập trung, liên kết, hợp tác với nhau để tạo ra hệ sinh thái về CNTT. Đầu mối giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư tại Khu CVPM, CNTT tập trung.
    • g) Xây dựng cơ chế phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện mục tiêu đầu tư, việc chấp hành pháp luật về xây dựng, lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội đối với người lao động, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, an ninh - trật tự, bảo vệ môi trường đối với các dự án tại Khu CVPM, CNTT tập trung.
    • h) Hỗ trợ và chăm sóc khách hàng: Hỗ trợ tư vấn pháp lý và thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động các doanh nghiệp trong Khu CVPM, CNTT tập trung; Pháp chế của Trung tâm; Chăm sóc khách hàng (thu thập phản hồi thông tin, kiểm tra sự hài lòng) về tất cả các dịch vụ do Khu CVPM, CNTT cung cấp.
    • i) Quản lý đầu tư và hạ tầng: Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý dự án của nhà đầu tư theo quy hoạch và thiết kế đuợc duyệt; quản lý vệ sinh môi trường (rác thải rắn sinh hoạt công viên), cảnh quan, hạ tầng giao thông, hệ thống thoát nước mưa, nước thải, dịch vụ bãi xe ngoài tòa nhà của Khu CVPM, CNTT tập trung; phối hợp với địa phương kiểm tra dịch vụ vệ sinh an toàn thực phẩm của Khu CVPM, CNTT tập trung.
    • k) Xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực CNTT và truyền thông theo quy định của pháp luật.
    • l) Tổng hợp báo cáo thống kê, báo cáo tài chính của doanh nghiệp hoạt động trong Khu CVPM, CNTT tập trung; đánh giá hiệu quả đầu tư trong Khu CVPM, CNTT tập trung. Báo cáo định kỳ với Bộ TT&TT, các bộ, ngành có liên quan, UBND tỉnh và Hội đồng quản lý Chuỗi CVPM Quang Trung về tình hình xây dựng và phát triển Khu CVPM, CNTT tập trung.

Cơ sở hạ tầng

Tòa nhà HueCIT có 5 tầng, tọa lạc tại số 6 Lê Lợi, thành phố Huế trên diện tích đất 2.378m2 với tổng diện tích sàn là 2.450m2, trong đó:

  • 17 phòng làm việc.
  • 6 phòng thực hành, 5 phòng học lý thuyết.
  • 1 phòng họp, 1 hội trường.

Và sân vườn rộng 1.400m2 dùng làm nơi tổ chức hội chợ, triển lãm CNTT, nơi để xe, sân nghỉ...

Hệ thống mạng hiện đại với 7 máy chủ, hơn 280 máy tính và các thiết bị viễn thông.

HueCIT
 ]