Trong hơn hai năm triển khai (từ tháng 4/2022 đến hết tháng 9/2024), nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát, thống kê và phân loại hệ thống lễ hội đang diễn ra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là Thành phố Huế) và ghi nhận với tổng cộng 520 lễ hội, trong đó có 472 lễ hội truyền thống, 23 lễ hội văn hóa, 20 lễ hội ngành nghề và 5 lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài. Dựa trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đã xây dựng nên Hệ thống cơ sở dữ liệu lễ hội Thành phố Huế, bao gồm: Phần mềm quản lý lễ hội, Ứng dụng di động tích hợp đa nền tảng và Website quảng bá thông tin lễ hội trên nền bản đồ số GIS.

Toàn cảnh buổi bảo vệ đề tài khoa học “Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống lễ hội ở Thừa Thiên Huế”
Đối với phần mềm quản lý lễ hội, Hệ thống cung cấp cho người dùng hệ thống thông tin chi tiết và chuyên sâu về các lễ hội trên địa bàn Thành phố Huế, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí quản lý thông tin theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng thời có khả năng tương thích để tích hợp được trên nền GISHue. Hệ thống phần mềm quản lý lễ hội được xây dựng dưới dạng web-based, cho phép tạo lập, cập nhật và khai thác cơ sở dữ liệu số qua Internet.

Với mục tiêu quảng bá, giới thiệu và phục vụ nhu cầu tra cứu, khai thác thông tin của người dân và du khách về lế hội của Thành phố Huế, Ứng dụng di động và Trang web trình diễn thông tin là hai kênh thông tin bổ trợ giúp người dùng dễ dàng tiếp cận, tìm kiếm và định vị thông tin, dữ liệu mà không bị giới hạn bởi sự tương thích với các trình duyệt web cũng như hệ điều hành Android và iOS.

Tham gia với vai trò là thành viên đề tài, Th.S Lê Vĩnh Chiến, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Thành phố Huế (HueCIT) đã có những đóng góp quan trọng trong việc tư vấn về giải pháp công nghệ, tổ chức xây dựng phần mềm đảm bảo tính đồng bộ, kết nối và các tiện ích liên quan phục vụ người dùng. Đây là minh chứng cho sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên gia văn hóa và đội ngũ kỹ thuật trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hành trình chuyển đổi số ngành văn hóa tại Huế.

Với khả năng tích hợp vào hệ sinh thái số GISHue, cơ sở dữ liệu lễ hội không chỉ là nguồn thông tin quý giá cho các nhà nghiên cứu, mà còn trở thành tài nguyên hấp dẫn để các công ty du lịch – truyền thông xây dựng sản phẩm văn hóa đặc trưng phục vụ du khách. Đây cũng là cơ sở để thành phố Huế tiến tới đề xuất các lễ hội tiêu biểu vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, từng bước khẳng định vị thế là trung tâm văn hóa – du lịch hàng đầu cả nước.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Huế, Chủ nhiệm Đề tài phát biểu tại chương trình
Đánh giá cao ý nghĩa thiết thực của đề tài, đặc biệt trong giai đoạn thúc đẩy chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, tại buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Sơn - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Huế, Chủ tịch Hội đồng đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu triển khai giai đoạn 2 của đề tài, tập trung vào việc bổ sung mã định danh cho từng lễ hội, phát triển thêm các công cụ khai thác dữ liệu, hỗ trợ quản lý hiệu quả; Tham mưu xây dựng quy định, quy trình công bố dữ liệu dùng chung, tăng cường khả năng tra cứu, chia sẻ và bảo tồn; Tích hợp hệ thống vào nền tảng Hue-S. Hơn nữa, nhóm nghiên cứu cần nâng cấp hệ thống khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội một cách toàn diện hơn; áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật mới phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số,... qua đó tăng cường hiệu quả thiết thực trong việc số hóa cơ sở dữ liệu và thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa - du lịch.

Ông Nguyễn Xuân Sơn - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Huế, Chủ tịch Hội đồng phát biểu chỉ đạo tại chương trình
Với bề dày lịch sử hơn 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân, Huế từng là Thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là Kinh đô của triều đại Tây Sơn, rồi đến Kinh đô của quốc gia thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn. Cố đô Huế ngày nay vẫn còn lưu giữ trong lòng những giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu độc đáo, đặc biệt là hệ thống lễ hội vô cùng phong phú và đa dạng. Trong thời gian qua, với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khuyến khích việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, cùng với nhu cầu của xã hội, khi mà đời sống kinh tế ở cơ sở được nâng cao, nhiều lễ hội ở Huế được phục hồi, góp phần phát huy giá trị văn hóa, giữ gìn bản sắc của các dân tộc. Kết quả đề tài lần này tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong của Huế trong chuyển đổi số lĩnh vực văn hóa – du lịch, thể hiện tầm nhìn chiến lược trong việc kết nối di sản với phát triển kinh tế - xã hội. Đây là mô hình có thể nhân rộng ra nhiều địa phương khác, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa thành phố Huế trở thành đô thị di sản trực thuộc Trung ương theo đúng tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.