Năm 981 - Tân Tỵ
Tháng 3 âm lịch, cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống lần thứ nhất. Quân dân nước Đại Việt, dưới sự lãnh đạo của vua Lê Đại Hành đã phá tan thủy quân giặc Tống xâm lược do Lưu Trừng cầm đầu ở sông Bạch Đằng, chém tướng Hầu Nhân Bảo ở Bình Lỗ (Sóc Sơn - Hà Nội), phá tan giặc ở Tây Kết (Hà Bắc), đuổi tướng Trần Khâm Tộ chạy dài, bắt sống hai tướng Triệu Phụng Huân và Quách Quân Biện về giam tại kinh đô Hoa Lư. Nhà Tống hoảng sợ phải ra lệnh bãi binh. Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống lần thứ nhất hoàn toàn thắng lợi.
Năm 1077 - Đinh Tỵ
Nhà Tống cử đạo quân hùng hậu do các tướng giỏi Quách Quì, Triệu Tiết chỉ huy tiến vào nước ta. Quân dân Đại Việt, dưới sự chỉ huy của tướng quân Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến sông Cầu ngăn bước tiến của kẻ thù. Ngày 18/1/1077, trên sông Như Nguyệt (một đoạn của sông Cầu) nơi có phòng tuyến của quân ta đã vang lên bài thơ Nam quốc sơn hà do Lý Thường Kiệt sáng tác:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Bị thiệt hại nặng nề mà không phá vỡ được phòng tuyến của ta, quân Tống phải chấp nhận điều đình với ta và rút quân về nước. Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống lần thứ hai của quân dân Đại Việt đã kết thúc thắng lợi.
Năm 1149 - Kỷ Tỵ
Việc thông thương với các nước phát triển. Tháng 2 âm lịch, thuyền buôn 3 nước: Trảo Oa, Lọ Lạc và Xiêm La vào Hải Đông (vùng biển Quảng Ninh) xin được ở lại buôn bán. Vua Lý đồng ý cho họ ở lại ngoài đảo Vân Đồn và cho thiết lập trang Vân Đồn để tiện việc mua bán thông thương bằng đường biển với thuyền buôn các nước.
Năm 1257 - Đinh Tỵ
Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ nhất. Chủ tướng Mông Cổ ở Vân Nam là Ngột Lương Hợp Thai (Uryangkhađai) huy động 3 vạn quân kỵ, bộ cùng nhiều tướng giỏi chia làm 2 đạo theo đường sông Thao tiến vào nước ta. Vua Trần Thái Tông đem quân lên phía Bắc đánh giặc. Sau các cuộc giao tranh quyết liệt, trước thế giặc mạnh, quân ta rút lui bảo toàn lực lượng. Cả nước thực hiện “vườn không nhà trống”, tiến hành chiến tranh du kích tiêu hao địch. Đến 24 tháng Chạp, vua Trần phản công, đánh tan giặc ở Đông Bộ Đầu (khu vực Long Biên - Hà Nội) thu phục kinh thành. Giặc Nguyên Mông phải tháo chạy về nước.
Năm 1473 - Quý Tỵ
Tháng Giêng, vua Lê Thánh Tông, thân hành cày ruộng tịch điền và đốc xuất các quan đi theo cùng cày. Tập tục này do vua Lê Đại Hành khởi xướng từ gần 500 năm trước, nhân dịp xuân mới hằng năm nhằm động viên nông gia cày cấy.
Tháng 2 âm lịch, vua Lê Thánh Tông ra lệnh cấm uống rượu để hạn chế nạn chè chén say sưa, bỏ bê công việc trong các quan.
Năm 1689 - Kỷ Tỵ
Vào tháng 6 âm lịch, triều đình Lê - Trịnh đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao nhằm bảo toàn lãnh thổ quốc gia, sai xứ sang nhà Thanh đòi trả lại các châu Bảo lạc, Thủy Vị, Vị Xuyên, Quỳnh Nhai.
Năm 1773 - Quý Tỵ
Tháng 2 âm lịch, nghĩa quân Tây Sơn do 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ lãnh đạo đánh chiếm miền Hạ Đạo, Tuy Viên và các vùng lân cận (Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay). Đến tháng 8 âm lịch, nghĩa quân hạ thành Quy Nhơn, tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên hoảng sợ bỏ chạy. Sau khi hạ thành Quy Nhơn, nghĩa quân tấn công liên tiếp các phủ Quảng Ngãi. Diên Khánh, Bình Khang, Bình Thuận. Thế lực của nghĩa quân từ đây ngày càng mạnh, phát triển thành phong trào nông dân Tây Sơn rộng lớn về sau với các chiến công oanh liệt lật đổ triều Lê-Trịnh-Nguyễn thối nát, đánh tan 20 vạn quân Thanh.
Năm 1821 - Đinh Tỵ
Tháng Giêng, cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành bùng nổ với căn cứ Trà Lũ (Hà Nam Ninh cũ), nghĩa quân hoạt động khắp các tỉnh ven biển từQuảng Yên đến Thanh Hóa, góp phần làm suy yếu triều đình nhà Nguyễn. Tháng 2 âm lịch, bắt đầu lập Quốc Tử Giám ở kinh đô Huế.
Tháng 4 âm lịch, nhà sử học Phan Huy Chú dâng triều đình bộ sách “Lịch triều hiến chương loại trí” gồm 49 quyển.
Năm 1917 - Đinh Tỵ
Ngày 30/8, Trịnh Văn Cấn tức Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo binh lính yêu nước khởi nghĩa ở Thái Nguyên phá nhà lao, thả tù chính trị, làm chủ thị xã trong 6 ngày.
Năm 1929 - Kỷ Tỵ
Tháng 3, Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt nam gồm 7 đảng viên: Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Đỗ Ngọc Du, Trịnh Đình Cửu, Trần Văn Cung, Dương Hạc Đính, Kin Tôn, do Trần Văn Cung làm bí thư chi bộ được thành lập.
Hội Việt Nam cách mạng thanh niên - một tổ chức tiền thân của Đảng - đã có vai trò tích cực thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển, không còn thích hợp trước sự phát triển của phong trào. Sau Đại hội tháng 5/1929 của Hội, các tổ chức cộng sản lần lượt ra đời ở Việt Nam: Đông Dương Cộng sản Đảng (tháng 6/1929); An Nam Cộng sản Đảng (tháng 7/1929); Đông Dương Cộng sản liên đoàn (tháng 9/1929), là cơ sở ra đời cho Đảng Cộng sản Việt Nam một năm sau đó (ngày 3/2/1930).
Năm 1941 - Tân Tỵ
Ngày 25/10, Mặt trận Việt Minh ra đời. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Việt Minh đã xây dựng lực lượng quần chúng, tổ chức các đoàn thể cứu quốc ở cả nông thôn, thành thị, có hệ thống từ trung ương đến cơ sở. Nhiều tổ chức yêu nước đã tham gia làm thành viên Mặt trận Việt minh. Tất cả đều chung mục đích: đánh đuổi thực dân, đế quốc, giành tự do, độc lập cho nhân dân. Mặt trận Việt Minh là nhân tố quan trọng góp phần vào cuộc thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân.
Năm 1953 - Quý Tỵ
Tháng 11, Hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã nhất trí thông qua cương lĩnh ruộng đất và quyết định thực hiện cải cách ruộng đất ở vùng tự do nhằm thực hiện “người cày có ruộng”, giải phóng sức sản xuất để phát triển mạnh kinh tế, bồi dưỡng sức dân, đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Pháp. Cuộc cải cách ruộng đất đã góp một phần quyết định vào chiến thắng Đông-Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đến toàn thắng.
Năm 1965 - Ất Tỵ
Đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Miền Bắc thực hiện chuyển hướng xây dựng kinh tế, chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất bằng không quân và hải quân của giặc Mỹ. Cả nước tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ lâu dài và gian khổ nhưng vẻ vang, kết thúc bằng thắng lợi lịch sử 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cả nước cùng đi lên xã hội chủ nghĩa với mục tiêu xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh và văn minh.
Năm 2001 - Tân Tỵ
Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 9 mở đầu cho thế kỷ XXI, hứa hẹn những tầm cao mới, những thành tựu mới. Đại hội kế thừa và phát triển thành quả của các đại hội trước, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế tri thức nhằm phát huy nội lực và tăng cường hội nhập, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.