Sản phẩm nghiên cứu mang tính ứng dụng cao
Là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, hơn 21 năm hình thành và phát triển, Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế (HueCIT) đã định vị được thương hiệu là một trong những đơn vị uy tín hàng đầu của tỉnh Thừa Thiên Huế trong hoạt động nghiên cứu sản xuất phần mềm, các giải pháp ứng dụng, các dịch vụ CNTT tổng thể cho các cơ quan, doanh nghiệp đồng thời là địa chỉ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm và ứng dụng CNTT đáp ứng nhu cầu của thị trường Miền Trung – Tây Nguyên và cho cả nước.
Công tác nghiên cứu và xây dựng các sản phẩm phần mềm có thể nói chính là một mũi nhọn của HueCIT trong nhiều năm qua, được thể nghiệm không chỉ trong công tác tham vấn các chính sách về CNTT cho tỉnh Thừa Thiên Huế (đã trở thành chức năng nhiệm vụ của HueCIT) mà còn thông qua những giải thưởng và hiệu quả mà mỗi sản phẩm mang lại.
Với nhiệm vụ gắn liền mục tiêu của Tỉnh về “Triển khai hoàn chỉnh mô hình Chính quyền điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế, hình thành các mô hình công sở điện tử từ cấp tỉnh đến cấp xã”, HueCIT với đội ngũ nhân lực là các chuyên gia trong lĩnh vực CNTT đã cùng với các cộng sự là các cơ quan ban ngành trong tỉnh tiến hành nghiên cứu, phân tích bài toán và cho ra đời “Khung kỹ thuật chính quyền điện tử và Hệ thống công sở điện tử đa cấp tỉnh Thừa Thiên Huế” với tiếng vang đầu tiên là Giải Nhất Hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VII, năm 2015, sau đó là Danh hiệu Sao Khuê năm 2016. Từ nền tảng này, HueCIT tiếp tục phát triển thành "Giải pháp Cổng thông tin điện tử, điều hành và tác nghiệp đa cấp liên thông" là một sản phẩm ứng dụng CNTT nền tảng Portal thế hệ mới, chuẩn mở, phù hợp cho xu thế xây dựng và ứng dụng Chính quyền điện tử tại các địa phương trong cả nước; đáp ứng yêu cầu triển khai hợp nhất hệ thống ứng dụng CNTT trên phạm vi diện rộng toàn tỉnh theo hướng kết nối liên thông đa cấp về thông tin và điều hành tác nghiệp giữa các cơ quan quản lý nhà nước; cung cấp hiệu quả, đồng bộ thông tin và dịch vụ công qua mạng cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
HueCIT được vinh danh ở hạng mục “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc năm 2020” với sản phẩm “Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành”
Cũng từ nền tảng này, sản phẩm “Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành” được hoàn thiện và phục vụ công tác quản lý của cơ quan nhà nước trên địa bàn, được ứng dụng liên thông từ cấp tỉnh tới cấp xã, đã góp phần thay đổi “diện mạo” nền hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế theo hướng minh bạch – chuyên nghiệp - hiện đại, chuyển dịch dần từ "chính quyền quản lý" sang "chính quyền phục vụ, kiến tạo" góp phần cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, từ đó nâng cao chỉ số ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước của tỉnh Thừa Thiên Huế vươn lên TOP đầu của cả nước trong nhiều năm liền.
Để đáp ứng được các nhu cầu cũng như sự phù hợp trong cơ quan nhà nước tại Thừa Thiên Huế, HueCIT đồng thời cũng là đơn vị tiên phong trong việc sử dụng các sản phẩm phầm mềm ngay tại đơn vị. Với “Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành” (Hệ thống QLVBĐH) – sản phẩm được xem là “bàn làm việc điện tử” của công chức, viên chức toàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đội ngũ kỹ thuật tại HueCIT đã thường xuyên tiếp thu các phản hồi thông qua các đợt tổ chức tập huấn cho cán bộ công chức, viên chức sử dụng phần mềm; thông qua việc giữ mối liên hệ thường xuyên để hỗ trợ các đơn vị trong quá trình sử dụng để tiếp tục cải tiến, nâng cấp và hoàn thiện.
Có thể nói, Hệ thống QLVBĐH đã hỗ trợ toàn diện công tác điều hành của lãnh đạo, các hoạt động tác nghiệp của cán bộ, chuyên viên từ cấp tỉnh đến cấp xã; có sự liên thông, kết nối dữ liệu giúp dễ dàng trao đổi thông tin trong nội bộ cơ quan, các cơ quan trong tỉnh nhưng vẫn đảm bảo tính bảo mật của các tài khoản. Đồng thời, hệ thống còn cho phép gửi/nhận văn bản từ cơ quan trung ương cũng như từ các địa phương khác thông qua trục gửi nhận văn bản của quốc gia.
Đến nay, Hệ thống QLVBĐH đã được triển khai hoạt động trong toàn tỉnh với 205 đơn vị là các Sở ngành và UBND các cấp, 40 đơn vị trực thuộc, 13.933 người sử dụng thường xuyên trên hệ thống, trở thành “kho dữ liệu dùng chung” của tỉnh, “bàn làm việc điện tử” của mỗi công chức viên chức. Thông qua Hệ thống, đến nay, tỉ lệ văn bản điện tử được sử dụng trong cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế là trên 90%. Từ ngày 26/6/2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu toàn tỉnh thực hiện phát hành văn bản điện tử có ký số trong Hệ thống QLVBĐH và Trục liên thông văn bản quốc gia đến các cơ quan hành chính Nhà nước thay thế văn bản giấy (trừ văn bản mật).
Các số liệu trên cho thấy Hệ thống QLVBĐH đã góp phần giúp tỉnh Thừa Thiên Huế trong công tác cải cách hành chính, tiết kiệm chi phí in ấn, và quan trọng hơn là đã góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả xử lý công việc của lãnh đạo, công chức viên chức và người lao động trong hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh, góp phần quan trọng trong nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như nâng cao các thứ hạng, chỉ số ICT của tỉnh nhà.
Năm 2020, tại hạng mục Giải pháp Chính phủ điện tử và đô thị thông minh, HueCIT được vinh danh là cơ quan nhà nước có quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ từ mô hình truyền thống sang môi trường quản lý, làm việc dựa trên nền tảng công nghệ số.
Tự hào sản phẩm “make in HueCIT”
Cùng với định hướng phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc xác định công nghệ thông tin và truyền thông là ngành đột phá của Tỉnh theo Nghị quyết 54/NQ-CP ngày 10/12/2019 của Bộ chính trị; với bước đệm trở thành thành viên chính thức của Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung theo Quyết định 1898/QĐ-TTg ngày 25/12/2019 của thủ tướng Chính phủ, HueCIT đang dần chuyển mình phát triển với định hướng đến năm 2025 trở thành một Trung tâm mạnh, có uy tín của khu vực miền Trung và của cả nước, góp phần xây dựng thành công nền hành chính điện tử, công sở điện tử và Chính phủ số tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Không dừng lại ở “bàn làm việc điện tử”, với sự kỳ vọng của Lãnh đạo tỉnh trong phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, HueCIT tiếp tục thực hiện nghiên cứu và triển khai đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu xây dựng mô hình công sở và chính quyền điện tử di động (mOffice) tại tỉnh Thừa Thiên Huế”.
Kế thừa kết quả của công trình “Khung kỹ thuật chính quyền điện tử và hệ thống công sở điện tử đa cấp tỉnh Thừa Thiên Huế”, sau 2 năm thực hiện, HueCIT đã phát triển thành công với Ứng dụng chính quyền điện tử di động tỉnh Thừa Thiên Huế (Hue-mOffice). Sản phẩm do HueCIT là đơn vị chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và Trung tâm Giám sát điều hành Đô thị thông minh tỉnh cùng thực hiện.
HueCIT tổ chức tập huấn đào tạo sử dụng ứng dụng Hue - mOffice
Ứng dụng Hue-mOffice ra đời đáp ứng nhu cầu thực tiễn của công tác chỉ đạo, điều hành công vụ “mọi lúc, mọi nơi”, là ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và tác nghiệp trên các thiết bị di động của cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, “làm việc từ xa tại nhà” (Work from home) không còn là một khái niệm xa lạ mà trở thành xu hướng bắt buộc trong một số trường hợp bất khả kháng vì sự ảnh hưởng của đại dịch. Hue-mOffice là ứng dụng có thể phát huy hiệu suất công tác của cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy chính quyền, đáp ứng yêu cầu công việc 24/7, đồng thời cung cấp khả năng xử lý công việc từ xa (như khi đi công tác nước ngoài, vùng sâu vùng xa, thực hiện cách ly tại nhà…) một cách tiết kiệm, tối ưu nhất.
Ứng dụng Hue-mOffice được xem là một văn phòng cho công sở điện tử trên môi trường di động của cán bộ, công chức, viên chức tỉnh, là một thành phần quan trọng của Chính quyền điện tử của tỉnh Thừa Thiên Huế, góp phần hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số cấp tỉnh theo đúng định hướng phát triển của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ông Lê Vĩnh Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm HueCIT giới thiệu sản phẩm mOffice tại Hội nghị nghiệm thu đề tài "Nghiên cứu xây dựng mô hình công sở và chính quyền điện tử di động (mOffice) tại tỉnh Thừa Thiên Huế"
Vượt qua hơn 300 hồ sơ tham dự từ các cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và cá nhân trên toàn quốc với các sản phẩm ứng dụng CNTT tiêu biểu, ngày 09/12/2021, tại Lễ trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021 - Vietnam Digital Awards, HueCIT đã vinh dự được Hội Truyền thông số Việt Nam một lần nữa vinh danh tại hạng mục "Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số xuất sắc" với sản phẩm Hue-mOffice. Liên tiếp trong hai năm 2020 và 2021, HueCIT được Hội Truyền thông số Việt Nam vinh danh tại hạng mục “Đơn vị sự nghiệp, cơ quan nhà nước Chuyển đổi số Xuất sắc”. Đó là thành công nhưng cũng là động lực để HueCIT phát huy hơn nữa sức sáng tạo trong các sản phẩm ứng dụng Công nghệ thông tin phục vụ các cơ quan, doanh nghiệp và xã hội…
Điểm lại những sản phẩm mà HueCIT đã và đang nghiên cứu, xây dựng, có thể thấy được sự đa dạng và toàn diện trong những sản phẩm, ứng dụng mà HueCIT đưa ra thị trường, phục vụ cơ quan, doanh nghiệp và xã hội. Những sản phẩm mà Trung tâm tham gia thực hiện không chỉ được ứng dụng ở nhiều cấp độ, sâu rộng trên toàn tỉnh mà còn trên nhiều lĩnh vực của đời sống.
Trong lĩnh vực kinh tế - chính trị có thể kể đến như: Giải pháp Cổng thông tin điện tử, điều hành và tác nghiệp đa cấp liên thông; Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế; Hệ thống xác thực tập trung SSO; Phần mềm Quản lí Văn bản và Điều hành; Ứng dụng chứng thư số vào quản lý văn bản và quy trình công việc; Hệ thống đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở ban ngành tỉnh Thừa Thiên Huế (DDCI); Hệ thống dữ liệu mở (Open Data) tỉnh Thừa Thiên Huế…
Góp phần hỗ trợ trong công tác bảo tồn và quảng bá các giá trị văn hóa Huế, Trung tâm đã xây dựng nên các sản phẩm: phần mềm Cơ sở dữ liệu Văn hóa du lịch, website Nhã nhạc Cung đình Huế, website Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế, website Cổng Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, Trang thông tin điện tử tổng hợp Khám phá Huế, …
Bên cạnh đó, Trung tâm đã chủ trì và phối hợp thực hiện các đề tài KHCN cấp tỉnh, cấp quốc gia để có được sản phẩm, giải pháp ứng dụng nền tảng, có khả năng áp dụng thực tế phục vụ xã hội như: Đề tài “Xây dựng phần mềm chữ Nôm, chữ Thái, chữ Chăm”; Đề tài “Nghiên cứu mô hình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 trên môi trường mạng trên cơ sở đồng nhất hệ thống quản lý chất lượng với hệ thống quản lý hành chính tại một số cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh”; Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình công sở điện tử và chính quyền điện tử di động (mGov)”; Đề tài “Nghiên cứu, xây dựng nền tảng hạ tầng dữ liệu không gian (SDI), phục vụ quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị - Ứng dụng thí điểm tại tỉnh Thừa Thiên Huế”.
Có thể nói, những sản phẩm, dịch vụ CNTT mà Trung tâm đã làm được phục vụ tốt cho việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ liên quan đến ứng dụng CNTT cho các cơ quan Nhà nước trong tỉnh và xã hội trong những năm vừa qua. Đồng thời, góp phần cho việc hiện đại hóa, chuẩn hóa, đồng bộ, liên thông, bảo đảm khả năng tiếp cận và sử dụng cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo được một vị trí nhất định trong lĩnh vực CNTT và truyền thông của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung.
Nhìn lại những thành tựu đã đạt được, những hành trình cũng như những khó khăn đã vượt qua, HueCIT đã có những bước tiến dài trong việc xây dựng thương hiệu của riêng mình. Những sản phẩm ‘make in HueCIT” đã và đang khẳng định được tính hiệu quả, góp phần vào sự thành công trong quá trình chuyển đổi số của mỗi cơ quan, doanh nghiệp. Đó là thành công và là niềm tự hào của HueCIT.
Với định hướng, “HueCIT – một điểm đến, đa mục tiêu”, trong năm 2021, HueCIT đã có bước tạo đà thành công khi trở thành đơn vị tham mưu, tư vấn chiến lược, kế hoạch phát triển trong đề án chuyển đổi số của các đơn vị cấp tỉnh: Ủy ban nhân dân Thành phố Huế, Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế… chắc chắn rằng HueCIT sẽ tiếp tục có những sản phẩm ứng dụng CNTT toàn diện hơn nữa trong thời gian tới.