Công cụ của chính quyền, tiếng nói của doanh nghiệp
Giữa tháng 8/2018, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức buổi Họp báo về việc công bố những hỗ trợ của tỉnh dành cho doanh nghiệp, trong đó công bố Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở ban ngành và địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế tại địa chỉ http://ddci.thuathienhue.gov.vn. Từ đó đến nay, Hệ thống DDCI được xem như một công cụ để chính quyền Thừa Thiên Huế lắng nghe, hiểu, tiếp thu và tiến tới thực hiện những bước cải cách để cải thiện môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho những bước cải cách mạnh mẽ.
Tính đến nay, Thừa Thiên Huế đã triển khai 03 đợt khảo sát, có sự điều chỉnh theo từng năm với mục đích kép: Một mặt trao quyền cho cộng đồng doanh nghiệp đánh giá đa chiều và thực thi vai trò giám sát các hoạt động điều hành kinh tế của tỉnh; mặt khác, đặt chính quyền các huyện, thị xã, thành phố và các sở ban ngành thuộc tỉnh vào tâm thế phải cải cách và nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp; qua đó cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực.
Nhìn lại kết quả chỉ số PCI năm 2020, Thừa Thiên Huế có số điểm đánh giá là 65,3 điểm, nằm trong nhóm khá của toàn quốc (năm 2018 xếp vị trí thứ 30/63 tỉnh thành với 63,51 điểm; năm 2019 đã cải thiện vươn lên đứng vị thứ 20/63 với 66,50 điểm, tăng 10 bậc so với năm 2018). Chỉ số này phần nào đánh giá về tính năng động, tiên phong của chính quyền địa phương đã được cải thiện, chi phí không chính thức giảm; cải cách hành chính hiệu quả và môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là kết quả của một quá trình chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc của các sở ngành địa phương, trong đó điều tiên quyết là mức độ sẵn sàng ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước cũng như tinh thần cầu thị của chính quyền với doanh nghiệp và người dân mà DDCI chính là sản phẩm được ra đời dựa trên định hướng đó.
Bảng xếp hạng chỉ số DDCI cấp sở ban ngành tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020
Việc xây dựng Bộ chỉ số đánh giá chất lượng điều hành của các sở, ngành và địa phương được thực hiện trên việc lấy ý kiến khảo sát của các doanh nghiệp đã tạo ra sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành của các đơn vị trong cơ quan nhà nước. Đồng thời, đây là nơi giúp các doanh nghiệp có thêm cơ hội phản ánh, đánh giá về công tác điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Có thể nói, DDCI chính là “cửa ngõ” đầu tiên để chính quyền và doanh nghiệp có thể “bắt tay”, tìm hiểu nhau vì mục tiêu chung là xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh của địa phương thật sự thông thoáng.
Có gì ở DDCI Thừa Thiên Huế?
Là hệ thống được xây dựng dựa trên các nguyên tắc và cách thức triển khai nghiêm ngặt, tương tự các chỉ số thành phần của PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), Hệ thống DDCI Thừa Thiên Huế đảm bảo việc đánh giá, khảo sát dựa trên 8 tiêu chí: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; Tính năng động của sở ban ngành và địa phương; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Hỗ trợ Doanh nghiệp; Thiết chế pháp lý; Vai trò người đứng đầu. Đây là các tiêu chí cần có của một hệ thống DDCI.
Tuy nhiên, đối với mỗi địa phương, tùy vào điều kiện, tính chất đặc thù hoặc mục đích khảo sát mà có sự khác nhau về các tiêu chí cũng như nội dung khảo sát. Hệ thống DDCI Thừa Thiên Huế cho phép dễ dàng bổ sung các nội dung trên mà không cần phải tiến hành nâng cấp hay thực hiện các yếu tố kỹ thuật phức tạp nào.
Với giao diện tối giản, Hệ thống DDCI Thừa Thiên Huế giúp người sử dụng dễ dàng tra cứu thông tin, thực hiện khảo sát trực tuyến thông qua 2 chức năng: Trình diễn thông tin và Khảo sát.
Mọi người dùng khi truy cập vào Hệ thống DDCI sẽ được cung cấp đầy đủ kết quả khảo sát, đánh giá chỉ số DDCI hàng năm của các sở ban ngành và địa phương; bản tin DDCI của tỉnh; đồng thời cho phép người dân, doanh nghiệp thực hiện khảo sát và góp ý xây dựng chính quyền.
Hệ thống DDCI cung cấp chức năng khảo sát cho thành viên là các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã đang đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhằm phản ánh mức độ hài lòng của các thành viên đối với công tác cải cách hành chính, năng lực và thái độ phục vụ của các sở ban ngành và địa phương nói chung theo các chỉ số DDCI hàng năm. Chức năng này được thể hiện công khai trên hệ thống, tuy nhiên được thiết lập thêm khả năng bảo mật thông tin cá nhân để đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng trong quá trình tham gia khảo sát. Đây chính là yếu tố cốt lõi tạo nên tính minh bạch của kết quả khảo sát mà Hệ thống DDCI mang lại.
Nhà quản lý dễ dàng điều chỉnh, bổ sung các chỉ số, tiêu chí cũng như hệ thống bảng hỏi trong hệ thống
Các kết quả sau quá trình khảo sát cho phép người quản lý dễ dàng trích xuất, thống kê
Đối với chính quyền, thông qua chức năng quản trị hệ thống, dễ dàng thực hiện các thao tác như Thêm mới (tin tức, các tiêu chí, các câu hỏi, kết quả khảo sát…), Chỉnh sửa, Xóa thông qua tài khoản quản trị. Việc quản lý thông tin trên hệ thống giúp giảm thiểu về mặt thời gian và giấy tờ, thủ tục, tiết kiệm chi phí tối đa trong quá trình thực hiện công việc trong cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, với việc thông tin được quản lý tập trung, cho phép người dùng kế thừa và đối sánh các kết quả khảo sát hàng năm mà không mất nhiều thời gian tra cứu.
Có thể nói, Hệ thống DDCI đã góp phần hoàn thiện về thể chế, năng lực điều hành, năng lực đối thoại của chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế và cơ quan tham mưu chuyên môn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hiện đại hóa nền hành chính theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả, đảm bảo tính liên thông, đồng bộ, thống nhất và hội nhập.
Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực CNTT, Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế (Trung tâm) luôn đồng hành cùng các đơn vị trong việc chuyển giao công nghệ, các ứng dụng CNTT và triển khai thành công các sản phẩm mà Trung tâm đã và đang xây dựng/phối hợp xây dựng và phát triển.
Tin liên quan:
>> DDCI và sự cần thiết trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh