Theo Ngân hàng thế giới (WB), tương tự như các mặt hàng toàn cầu khác, dữ liệu có tiềm năng mang lại lợi ích đáng kể. Khi dữ liệu của chính phủ có thể truy cập và sử dụng lại được, chúng cho phép các cá nhân, tổ chức và thậm chí chính các chính phủ đổi mới và cộng tác theo những cách mới. |
Dữ liệu mở là nội dung thể hiện sự minh bạch, tinh thần kiến tạo của Chính phủ đối với đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Để giải quyết những thách thức mà thời đại đặt ra, dữ liệu mở ngày càng được chú trọng vì những lợi ích to lớn mà nó mang lại.
Đối với các dạng dữ liệu “nhạy cảm” trong quá khứ như chi tiêu ngân sách, giải ngân đầu tư công, chính phủ có trách nhiệm giải trình và công bố các thông tin về ngân sách và chi tiêu công, đồng thời khi công bố thì cần phải hiệu chỉnh các dữ liệu này sao cho người dân có thể dễ dàng đọc hiểu. Bên cạnh đó, người dân có thể tìm hiểu các chương trình, dịch vụ đang được đầu tư và các khoản chi cụ thể cho các nhóm này.
Dữ liệu mở còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc đo lường tác động của các chính sách. Trước đây, việc thu thập và phân tích dữ liệu thường rất đắt đỏ và khó khăn, gây trở ngại cho việc đo lường tác động của các chính sách. Dữ liệu mở sẽ cung cấp thông tin về các hoạt động và sự kiện, cũng như những thay đổi trong chính sách và điều kiện kinh tế. Nhờ đó, các cơ quan/tổ chức/cá nhân có thể dễ dàng đưa ra các kết luận khách quan về tác động của chính sách.
Thông qua dữ liệu mở, các cá nhân và tổ chức tham gia vào hoạt động kiểm tra giám sát, tăng độ minh bạch về quản lý thông tin và bộ dữ liệu mở, từ đó có thể phát hiện các đặc tính hoặc vấn đề từ bộ dữ liệu mà bản thân chủ sở hữu dữ liệu (chính phủ) chưa phát hiện ra. Điều này cũng giúp thúc đẩy tính tích cực chủ động tham gia của người dân trong việc xây dựng Chính phủ số.
Như trong lĩnh vực giao thông vận tải, dữ liệu camera giao thông, quan trắc môi trường được cung cấp dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp sử dụng dữ liệu mở cũng có tác dụng như nhà nước huy động thêm hàng ngàn cộng tác viên giám sát giao thông, môi trường trong khi nguồn lực của nhà nước còn hạn chế.
Dữ liệu mở có thể giúp cộng đồng đưa ra các giải pháp sáng tạo cho các vấn đề mới và phức tạp. Chính vì thế, tri thức mới thông qua dữ liệu mở có thể khởi động sự đột phá trong các ngành công nghiệp khác nhau. Sử dụng dữ liệu mở có thể giúp cộng đồng khai thác tài nguyên mới để phát triển sản phẩm và dịch vụ mới. Các doanh nghiệp có thể sử dụng thông tin từ dữ liệu mở để phát triển các sản phẩm có tính sáng tạo và đáp ứng yêu cầu của thị trường, từ đó tạo nên nhiều việc làm mới và tăng trưởng kinh tế.
Một ví dụ trong lĩnh vực y tế, dữ liệu về triệu chứng bệnh có thể giúp các bác sĩ nghiên cứu để tìm ra phương pháp điều trị bệnh, tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức, chi phí; doanh nghiệp sử dụng để nghiên cứu các loại thuốc điều trị bệnh.
Đối với cơ quan nhà nước thì có thể chia sẻ các nguồn dữ liệu (thông tin người dân) với nhau mà không cần mỗi cơ quan phải tự thu thập và xây dựng một bộ dữ liệu riêng. Việc này sẽ giúp mỗi Bộ, ngành, các cơ quan tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức và ngân sách nhà nước. Ý thức được điều này, Chính phủ đã xây dựng các bộ dữ liệu chung mở như Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật (vbpl.vn/pages/portal.aspx) hay Cổng dữ liệu quốc gia (data.gov.vn/), tạo cơ hội cho công dân và tổ chức có thể sử dụng các nguồn thông tin của chính phủ.
Từ những nhận thức đúng đắn về lợi ích của dữ liệu mở, các bộ, ngành, địa phương cần sớm ban hành kế hoạch về dữ liệu mở, thực hiện kết nối và chia sẻ dữ liệu để đóng góp cho sự phát triển bền vững, chuyển đổi số toàn diện của đất nước, tối ưu hóa các nguồn lực vì sự tiện ích cho người dân, vì một đất nước phồn vinh, thịnh vượng./.