Du lịch Huế, điểm đến đầu tiên mà bất cứ du khách nào cũng nghĩ tới đó là Đại Nội - Kinh Thành Huế. Đây là nơi lưu dấu gần như nguyên vẹn bề dày trầm tích của lịch sử - văn hóa Huế, về triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam – Nhà Nguyễn; là công trình tiêu biểu nhất trong Quần thể di tích Cố đô Huế đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1993.
Với diện tích lên đến hơn 32.000m2, Đại Nội có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đình, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn và bảo vệ Tử Cấm thành - nơi dành riêng cho vua và hoàng gia. Tại đây, hơn 50 công trình lớn nhỏ được bài trí đăng đối, mỗi công trình có một chức năng riêng cũng như mang nét kiến trúc độc đáo tạo nên “một di sản đồ sộ và tinh tế” như GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính từng đánh giá.
Mặt bằng tổng thể Đại Nội với dày đặc hệ thống các di tích bên trong
Đại Nội - Kinh Thành Huế nhìn từ trên cao (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế)
Với đặc trưng là một quần thể rộng lớn bao gồm nhiều di tích, hệ thống các trục đường trong Đại Nội - Kinh Thành Huế không có tên gọi và không có các biển chỉ dẫn, các ứng dụng dẫn đường trên điện thoại thông minh không thể hỗ trợ việc tìm kiếm đường đi, điểm đến trong khu di sản. Vì vậy rất khó khăn cho du khách lần đầu tham quan, nếu không có hướng dẫn viên thì khó có thể đi hết các điểm cũng như định vị được vị trí của mình trên bản đồ giấy.
Nhằm hỗ trợ du khách tham quan Huế thuận tiện trong việc di chuyển và tìm kiếm các điểm đến trong Hoàng Cung Huế, vừa qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế (HueCIT) xây dựng App (Ứng dụng) có tên “Di tích Huế”.
Chức năng chính của Ứng dụng “Di tích Huế” trước mắt là hỗ trợ chỉ đường cho du khách trong phạm vi Hoàng Cung Huế. Chỉ với thao tác cài đặt Ứng dụng “Di tích Huế” trên điện thoại di động cá nhân (smartphone) và nhập vào địa điểm cần đến, Ứng dụng sẽ định vị vị trí của du khách và hướng dẫn đường đi gần nhất đến với điểm tham quan mong muốn.
Trong quá trình di chuyển tới điểm cần tham quan, du khách có thể theo dõi thêm các thông tin giới thiệu về các điểm đến một cách đầy đủ và ngắn gọn nhất, giúp du khách nắm bắt được các thông tin cần thiết. Đồng thời, Ứng dụng sẽ gợi ý các điểm đến lân cận mà du khách có thể quan tâm hoặc thuận tiện cho du khách trong quá trình tham quan, khám phá.
Khi tham quan Hoàng Cung Huế, du khách sẽ đi vào Cửa Ngọ Môn và đi ra ở cửa Hiển Nhơn, quy định này cũng gây ra không ít khó khăn cho du khách trong việc tìm/xác định lối ra. Ứng dụng “Di tích Huế” ra đời chính là “Bản đồ số” hỗ trợ du khách nắm bắt được lộ trình tham quan theo nhu cầu và điều kiện của mỗi người (thời gian, sức khỏe…), giúp cá nhân hóa hành trình tham quan một cách tối ưu.
Bên cạnh đó, Ứng dụng “Di tích Huế” còn tăng cường các dịch vụ hỗ trợ trải nghiệm cho du khách thông qua các tích hợp về dịch vụ và tiện ích hiện có tại Hoàng Cung Huế. Cụ thể, Ứng dụng hỗ trợ du khách các chỉ dẫn về các sự kiện, lễ hội sắp diễn ra tại Hoàng Cung Huế cùng thời gian cụ thể để du khách lựa chọn tham quan; tất cả các dịch vụ, tiện ích (thuyết minh, xe điện, trải nghiệm thực tế ảo tăng cường VR, chụp ảnh trang phục cung đình…) tại Hoàng Cung Huế cũng được Ứng dụng giới thiệu đầy đủ, hỗ trợ du khách tham quan, trải nghiệm và mua sắm.
Trong quá trình tham quan Hoàng Cung Huế, du khách còn dễ dàng tìm kiếm các điểm đặt ATM, điểm bán nước tự động, WC công cộng… từ công cụ chỉ đường của Ứng dụng “Di tích Huế”.
Để sử dụng App “Di tích Huế", khách du lịch có thể dễ dàng tìm kiếm và tải ứng dụng trên App Store dành cho hệ điều hành iOS hoặc CH Play dành cho hệ điều hành Android chỉ với từ khóa “Di tích Huế”.
App “Di tích Huế" vẫn được tiếp tục phát triển để hỗ trợ nhiều ngôn ngữ, đồng thời tăng cường hoàn thiện các tiện ích hỗ trợ du khách sử dụng dịch vụ của Hoàng Cung Huế ngay trên App như: nghe hệ thống thuyết minh tự động các điểm di tích, trải nghiệm thực tế ảo tăng cường VR, đặt dịch vụ xe điện online, gợi ý các tour tuyến tham quan Huế… Tích hợp chức năng “vé điện tử” để không chỉ giúp tiện lợi hóa công tác mua vé tham quan khi vào cửa của du khách, mà còn cho phép thanh toán các dịch vụ được cung cấp trong Hoàng Cung Huế, giúp tăng cường sự công khai minh bạch trong quản lý vé ra vào di tích của đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch và cơ quan quản lý nhà nước trên nền tảng số.
Với việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao trải nghiệm của du khách, bên cạnh các bản đồ giấy hỗ trợ du khách tham quan di tích Huế, ứng dụng “Di tích Huế” là bước đi kịp thời và cần thiết của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trong hoạt động chuyển đổi số tại đơn vị nói riêng, tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.
Để phát huy hiệu quả của ứng dụng, trong thời gian tới, ứng dụng này sẽ được phát triển và sử dụng cho các điểm di tích khác thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế. Đây cũng chính là quà tặng cho du khách - một sơ đồ số của Đại Nội để không bị lạc đường khi tham quan Quần thể di tích Cố đô Huế.
Với tinh thần cầu thị, Thừa Thiên Huế đã và đang có những hành động cụ thể, quyết liệt trong nỗ lực xây dựng hình ảnh du lịch Huế - “Điểm đến an toàn và thân thiện”, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 54/NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu “đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”.